image banner
Giao Thủy phát triển kinh tế biển
Lượt xem: 41173

Làm giàu từ biển

Giao Thủy từ lâu được biết đến là “vựa ngao” lớn nhất nước, cũng là một trong những huyện trọng điểm về nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định. Ở đây cũng “quy tụ” nhiều tỷ phú với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ít ai biết, trước đây những “đại gia” này, hoặc chỉ là những nông dân “mót biển” sống bằng nghề chài lưới và bắt cua trên cát khi thủy triều xuống, hoặc là những thương binh trở về từ chiến trường vốn sống bằng nghề nuôi tôm, nuôi ngao lẻ tẻ. Nhịp sống trên vùng đất mặn mòi đến nay ngày càng sôi động, người dân nơi đây đang từng ngày vươn lên cùng với biển.

Ở Giao Thủy có lẽ chẳng ai còn lạ khi nhắc đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Xuân Ba ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong. Trở về quê hương mang trên mình thương tật 21%, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bắt đầu sự nghiệp với việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Vay vốn thế chấp ngân hàng, lấy ngắn nuôi dài, từ một mô hình nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, thu nhập thấp, đến nay ông đã sở hữu mô hình nuôi tôm quy mô 5ha, ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính. Phương pháp này đã tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch được từ 4 - 5 tấn tôm với doanh thu 5 - 6 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, HTX của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động tại địa phương, với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ông Ba chia sẻ: “Được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên người dân chúng tôi càng tự tin, nỗ lực phát triển mô hình trên vùng biển quê hương”.

Mô hình nuôi ngao giống xen canh tôm của anh Lê Văn Hưng, xã Giao An, huyện Giao Thủy
Ảnh: Đào Cảnh

Còn ở xã Bạch Long, ông Phạm Văn Cương cũng là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có tiếng trong vùng. Từ một nông dân “chân lấm tay bùn”, miệt mài với cây lúa mà chẳng thoát được nghèo, ông Cương mạnh dạn thuê 2,5ha của Nông trường Bạch Long để chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo chủ trương của tỉnh. Ðược sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật qua các lớp đào tạo miễn phí, ông Cương thực hiện phương pháp nuôi xen canh các loại cá (diêu hồng, trắm, chép, đối mục) và tôm thẻ chân trắng để tận dụng nguồn thức ăn giữa các tầng nước và ngăn chặn dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm mô hình của ông cho thu hoạch từ 40 đến 50 tấn cá, tôm, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng.

Không chỉ vậy, trên địa bàn huyện Giao Thủy còn có rất nhiều mô hình sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung mang lại thu nhập cao. Điển hình như: Mô hình sản xuất ngao giống, xen canh tôm của ông Lê Văn Hưng ở xóm 19, xã Giao An với quy mô 20ha, hàng năm sản xuất khoảng 8 - 10 tỷ ngao giống, hơn 30 tấn ngao thịt, 50 tấn tôm có chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu nuôi ngao trong huyện, ngoài ra còn xuất bán ra ngoại tỉnh đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi cá nước ngọt của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Giao Hải với quy mô 30ha; mô hình nuôi ngao thương phẩm sạch của Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy với quy mô 968ha. Hàng năm, tiêu thụ 5.000 tấn ngao, đem lại thu nhập đáng kể.

Trước những tín hiệu vui đó, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Thành Mạnh phấn khởi cho biết, Giao Thủy hiện có 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 1.900 hộ nuôi trồng thủy sản với 11 mô hình sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Sản lượng thủy sản hằng năm đạt hơn 45 nghìn tấn, chiếm gần 30% sản lượng của tỉnh Nam Định, trong đó nuôi trồng đạt 31.500 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị toàn ngành nông nghiệp của huyện. Bên cạnh nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề khai thác và chế biến cũng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân trong vùng. Trong những năm gần đây, ngư dân mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật để vươn xa bờ hơn, tăng thời gian bám biển. Sản lượng khai thác bình quân đạt 11.335 tấn/năm, có nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Còn nghề chế biến được duy trì và phát triển trong các hộ gia đình, tập trung ở xã Giao Châu, Giao Yến, các xã ven biển. Đến nay, có nhiều sản phẩm nổi tiếng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh

Để phục vụ phát triển kinh tế biển, huyện Giao Thủy đã hoàn thành xây dựng các Dự án phục vụ nuôi tôm xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Hải, vùng nuôi thuỷ sản tổng hợp Giao Long. Hoàn thành Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn, triển khai Dự án nuôi thuỷ sản tập trung vùng nuôi xã Giao Phong, Dự án sản xuất giống thủy sản tại Trung tâm giống thủy sản xã Bạch Long, Khu sản xuất giống tập trung tại xã Giao Xuân.

Đối với Giao Thủy, biển không chỉ đem lại nhiều nguồn lợi to lớn về kinh tế, mà còn là địa thế quốc phòng, an ninh mang tính chiến lược. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Mạnh chia sẻ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện luôn nỗ lực phát triển kinh tế biển gắn với trách nhiệm bảo đảm ổn định QP - AN. Trong điều kiện tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, sự hiểu biết của ngư dân về pháp luật chưa đầy đủ; đồng thời, thực trạng ô nhiễm nguồn nước cục bộ, dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản còn nhiều bất cập, cạnh tranh thị trường ngày càng lớn… Những thách thức đó đang đặt ra những bài toán đòi hỏi địa phương càng phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công cuộc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.

Trong những năm qua, nhờ nỗ lực tự thân cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, huyện đã và đang xây dựng hệ thống thủy lợi, điện, đường phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, từng bước hỗ trợ vốn và vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp máy tàu nên chất lượng phương tiện khai thác được nâng lên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho nông ngư dân về vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung phát triển mạnh các tổ, đội, HTX đánh bắt hải sản, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, quản lý và bảo vệ an ninh trên biển.

Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức khai thác hợp lý đi đôi với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm trên biển kết hợp với tổ chức các phương án bảo vệ sản xuất và bảo vệ an ninh. Các lực lượng khai thác hải sản ngoài khơi cần có kế hoạch tổ chức sản xuất và bảo vệ sản xuất chu đáo, cam kết thực hành nghề cá có trách nhiệm và nghề cá bền vững. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng QP - AN; tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, ven biển vững mạnh.

ĐÀO CẢNH - TRẦN TÂM
Tin khác
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1