image banner
Đền Cả làng Đỗ Xá, xã Điền Xá Di tích Lịch sử - Văn hóa và lễ hội bơi chải
Lượt xem: 1120
Vào thế kỷ XIII có ba người là Đỗ Giá Không, Triệu Quang Minh, Lưu Thị Thế chiêu tập dân tứ xứ về vùng đất này khai hoang lập ấp. Mảnh đất đầu tiên được khai phá chính là xóm Thiên Thai bây giờ. Trải qua thời gian, mảnh đất này ngày càng phát triển, thu hút nhân dân khắp nơi về sinh sống, hình thành nên 17 xóm với tên xã là Đỗ Xá. Khi về đây khai khẩn đất đai có rất nhiều người đã từng theo phò tướng quân Đoàn Thượng trong công cuộc đứng lên lập lại cơ đồ nhà Lý. Sau khi cuộc sống đi vào ổn định, những cư dân mới đã về xứ An Nhân (Hưng Yên) rước chân nhang vị chủ tướng cũ về thờ. Việc thờ tự đó không chỉ mong muốn cho một cuộc sống gặp nhiều may mắn, nhân khang vật thịnh, đời sống ấm no hạnh phúc mà còn mang một ý nghĩa lớn lao, tưởng nhớ một vị dũng tướng có tấm lòng trung quân ái quốc, làm tấm gương cho mọi thế hệ người dân. Câu đối tại đền đã thể hiện điều đó:
Lý triều thập bát trận cần vương Hán Vũ Hầu sư biểu.
Nam quốc vạn thiên niên hiển thánh Tống Văn Sơn chính khí ca

Tạm dịch:
Triều Lý giúp vua đánh 18 trận, mưu lược sánh ngang cùng Vũ Hầu nhà Hán. 
Trời Nam hiển thánh ngàn năm, chính khí hiên ngang như Văn Sơn đời Tống

Sắc Phong cho Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887)
Đông Hải đại vương Đoàn Thượng sinh ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (1184) đời vua Lý Cao Tông, tại làng Thung Độ, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Cha là Đoàn Trung, mẹ là Hoàng Thị Mỹ. Từ nhỏ, Đoàn Thượng đã thể hiện một tư chất, dung mạo khác thường: chưa đầy năm đã biết nói, 5 tuổi đã am hiểu âm luật, 15 tuổi đã thể hiện một khí chất ngoan cường, muốn đứng lên làm việc lớn. Khi Đoàn Thượng vừa 19 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Ông bèn chọn nơi đất tốt làm lễ an táng, khói hương phụng thờ suốt ba năm. 
Đoàn Thượng lớn lên và trở thành hào trưởng Vùng Hồng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông có cùng một vú nuôi với vua Lý Cao Tông. Bấy giờ nhà Lý bước vào thời kỳ suy yếu, đói kém niên miên, nhân dân cùng khốn, nhiều nơi nổi dậy chống lại triều đình. Nhân lúc lòng dân oán thán nhà Lý, Đoàn Thượng cũng nổi lên tại quê nhà. 
Sử sách chép không thống nhất về thời gian Đoàn Thượng nổi lên. Tuy nhiên cuốn Đại Việt sử lược là cuốn sách được soạn vào thời nhà Trần là bộ sử chép khá chi tiết về cuộc đời của ông. Đại Việt sử lược viết lại sự kiện tháng 3 năm 1207 Đoàn Thượng và Đoàn Chủ làm phản, xây thành, đắp luỹ chống lại triều đình. Trước tình hình đó, vua Lý Cao Tông phải sai Đàm Dĩ Mông đem đạo quân Đại Thông (miền Hà Đông cũ, dọc sông Đáy), Phạm Bỉnh Di đem đạo quân Khả Liễu, Trần Hinh đem đạo quân Phù Đái (Vĩnh Bảo - Hải Phòng), Bảo Trinh đem đạo quân Nam Sách (Nam Sách, Hải Dương) hợp nhau đánh Đoàn Thượng.
Năm 1210 vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên ngôi, tức là vua Lý Huệ Tông. Giai đoạn này, triều đình nhu nhược, bất lực. Các hào trưởng địa phương đua nhau nổi lên, đánh chiếm lẫn nhau, phô trương thanh thế. Năm 1211, Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh từ Vùng Hồng về kinh sư quy thuận triều đình. Vua Lý Huệ Tông ban tước hầu cho Đoàn Thượng. Lúc này thế lực của Đoàn Thượng rất mạnh, ông trở thành người thay vua ban các sắc chỉ. Cũng từ đây cuộc xung đột giữa tập đoàn Đoàn Thượng và gia tộc họ Trần do Trần Tự Khánh đứng đầu bắt đầu diễn ra quyết liệt với nhiều trận đánh lớn nhỏ. 
Tháng 6 năm 1217, Đoàn Thượng được vua Lý Huệ Tông phong tước vương, tiếp tục trấn giữ Vùng Hồng. 
Triều đình nhà Lý ngày một suy yếu, vua Lý Huệ Tông lại không có con trai nên đành truyền ngôi cho người con gái thứ 2 là Phật Kim mới được 7 tuổi. Đến năm 1224, dưới sự sắp đặt của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ vị vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng chính thức kết hôn với Trần Cảnh: “Tháng Chạp năm Giáp Thân (1224) vua Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào châu cùng lạy dưới sân. Vua Lý Chiêu Hoàng bèn trút áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng để, đổi niên hiệu Kiến Trung năm thứ nhất, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng ”

Tượng thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng
Nhà Trần mới lên ngôi, lòng dân chưa phục, nhiều thế lực tiếp tục nổi lên chống đối. Cùng với Đoàn Thượng thì Nguyễn Nộn với danh nghĩa khôi phục nhà Lý cũng đã đứng lên trấn giữ vùng Bắc Ninh, Bắc Giang chống lại nhà Trần. Ngọc phả Đông Hải đại vương hiện lưu tại đến Hoành Đông cho biết tại Vùng Hồng. Đoàn Thượng tăng cường chiêu tập binh mã, xây thành đắp luỹ đồng thời xưng hiệu là Đông Hải đại vương. 
Cuốn ngọc phả tại đền Hoành Đông viết về sự kiện sau khi nhận lễ phong vương của nhà Trần, Nguyễn Nộn đã bày mưu mời Đoàn Thượng cùng ăn thề kết nghĩa anh em. Nguyễn Nộn nói rằng: “Ngày trước tôi ngu dại không biết ông có lòng phò nhà Lý, mưu ý của nhà Trần nay đã rõ, xin cùng ông liên kết làm láng giềng thân cận”. Đoàn Thượng cho là thật và cùng hẹn ước tại hội thề Đồng Giao (Hưng Yên). Đến ngày hội ước, Đoàn Thượng không chuẩn bị cẩn thận, chỉ mang theo vài người thân tín. Bị Nguyễn Nộn đánh úp, Đoàn Thượng không kịp chống đỡ, mình đầy thương tích, chạy về đến xứ An Nhân (Thị trấn Bần — Hưng Yên) thì gặp một cụ già khăn áo chỉnh tề đứng bên đường, chắp tay vái nói rằng: “Lòng trung nghĩa của tướng quân Thượng đế đã tỏ, nay Thượng đế ban cho tướng quân mảnh đất tốt ở đây”. Đoàn Thượng bèn xuống ngựa, đặt đao xuống rồi mất tại đó. Sử sách đều chép khi đó là vào tháng Chạp năm Mậu Tý niên hiệu Kiến Trung năm thứ 4 (1228). 
Đền Cả toạ lạc trên một khu đất rộng, cách xa khu vực dân cư, xung quanh là cánh đồng lúa rộng rãi thoáng đãng. Toàn bộ khuôn viên di tích được quy hoạch tạo thành một khu sinh thái phong cảnh hữu tình, có sự kết hợp hài hoà giữa khung cảnh thiên nhiên với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc.

Tòa tiền đường đền Cả
Trước cửa đền  là một hồ nước hình bát giác được kè đá cẩn thận. Sau đến là sân đền rộng, được lát gạch đỏ bằng phẳng, bao quanh sân là tường bao, cổng  ra vào được dựng hai cột đồng trụ với đế thắt cổ bồng, đỉnh đắp hoạ tiết lá lật. Trong sân bài trí non bộ, cây cảnh được tạo thế, cắt tỉa công phu, bài trí một cách hợp lý. 
Tiền đường gồm 5 gian. Ba gian giữa được tạo cửa ra vào, cửa giữa rộng. Riềm bao quanh mỗi cửa được nhấn tỉa hoạ tiết hoa lá, rồng, mây.. .Hai gian giáp đốc xây bít, tạo cửa sổ thông phong hoạ tiết hoa văn chữ thọ. Hệ thống lan can đắp hoạ tiết lưỡng long chầu hổ phù. Chiều dài thân đôi rồng trải dài phủ kín 3 gian giữa, hai gian giáp đốc đắp hoạ tiết triện tàu lá dắt. Bờ nóc được xây thẳng, kìm nóc đắp hoạ tiết rồng chầu, mái lợp ngói nam.
Tiếp theo, là tòa thiêu hương được xây theo kiểu phương đình hai tầng tám mái. Bốn góc bổ trụ hình tròn, đắp hoạ tiết rồng cuốn. Các đầu đao đắp hoạ tiết hoa lá uốn cong mềm mại, kìm nóc đắp hoạ tiết rồng chầu, mái giả ngói ống, riềm mái chạy bằng hoa văn lá đề.
Qua thiêu hương là khu vực thờ tự chính được xây theo hình chữ đinh. Trung đường 3 gian, mái lợp ngói nam. Hệ thống cửa ra vào được làm theo kiểu bức bàn, chân quay, bạo gỗ. Toàn bộ trung đường gồm có 4 bộ vì được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, hệ thống mái được đặt trên bốn bộ vì. Cả bốn bộ vì đều được làm theo kiểu quá giang, trốn cột, bẩy tiền, bẩy hậu. Các quá giang, câu đầu làm bằng gỗ lim dáng tròn, bào trơn đóng bén, liên kết với nhau bởi hệ thống xà đai. Trên các đầu dư, bẩy tiền, bẩy hậu được chạm khắc các hoạ tiết lá lật, triện tàu, hoa lá cách điệu. Toàn bộ hệ thống vì có 12 cây cột gỗ lim, trong đó 04 cột cái 08 cột quân. Kết cấu vì nóc và vì nách phía trong của trung đường được làm theo kiểu ván mê. Trên các ván mê đều được chạm khắc đơn giản với các đường chỉ kép chạy dọc thân. Riêng vì nách phía trước được làm theo kết cấu chồng rường bán giá chiêng. Các con rường tại bộ vì nách phía trước được gia công khá tỉ mỉ với các đường uốn cong, xoáy tròn mềm mại, nét chạm sâu và sắc nét. Các con trụ được tạo dáng hình vuông, bốn mặt chạm hoa văn chữ thọ, thớt đấu được chạm khắc hình hoa văn cánh sen.

Kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18)
Phần chuôi vồ gồm ba gian xây dọc, được ngăn cách với trung đường bởi một hệ thống máng nước. Ba gian ngoài của chuôi vồ được làm theo kết cấu mái chảy, lợp ngói nam. 06 cột chịu lực được làm thân tròn, đắp nổi hoạ tiết rồng cuốn. Tại gian ngoài cùng có đặt một cỗ long đình dùng để rước mỗi khi có hội làng, trên có bài trí bát nhang, bài vị của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Gian tiếp theo có bài trí sập thờ cùng các đồ tế tự như mâm bồng, mũ thờ, y phục thờ…
Gian cung cấm được xây cao hơn các gian ngoài, ngăn cách với các gian ngoài bởi ba ô cửa xây cuốn hình bán nguyệt, cánh bằng gỗ. Gian cung cấm là nơi bài trí hai pho tượng thờ của hai cha con Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. 
Làng Đỗ Xá, xã Điền Xá là một miền quê có truyền thống văn hoá lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dưới thời phong kiến, Đỗ Xá là một trong số ít làng của tỉnh Nam Định được phong là: Thiện tục khả phong niên hiệu Tự Đức 20 (1867). Nhân dân Đỗ Xá, nay là 17 xóm của xã Điển Xá hiện còn lưu truyền bản Hương ước của làng ghi lại những phong tục tập quán của người dân địa phương.
Lễ hội làng được tổ chức 3 năm một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Thời gian tổ chức lễ hội, trước đây từ ngày 10 đến 15 tháng 8, hiện nay từ ngày 10 đến 11 tháng 8 âm lịch. Lễ hội  tổ chức với quy mô lớn, gồm có nghi thức: dâng hương, rước, tế và nhiều trò chơi dân gian, đặc biệt là hội bơi trải.
Hội bơi trải trong lễ hội làng Đỗ Xá được Tiến sỹ, Đốc học tỉnh Nam Định Khiếu Năng Tĩnh (1835 - 1920) ghi lại trong Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chỉ lược.
Hàng tháng trước ngày vào hội, các đội bơi trong làng đã tổ chức nhóm họp và bắt tay vào những công việc chuẩn bị cho đội trải của mình. Trước đây làng Đỗ Xá có 11 giáp, mỗi giáp đóng 1 thuyền và dựng 1 xưởng thuyền bơi. Hiện nay, cả làng rút lại còn 3 đội với 6 thuyền bơi của 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ. Thuyền bơi có kích thước dài 11 m, rộng 1,2m. Mỗi thuyền có 20 người tham gia: 1 lái thuyền, 1 mỏ bài nhịp chỉ huy, 1 mũi. 1 tát nước và 16 tay bơi. Những trai làng nhanh nhẹn khoẻ mạnh, có sức bền bỉ trong làng được chọn làm các tuyển thủ cầm dầm bơi, những người chèo lái giỏi, giàu kinh nghiệm được chọn để cầm lái, người có giọng hò tốt và tài động viên được chọn để phất cờ, chỉ huy. Xưa kia, trước ngày hội hàng tháng, giai bơi phải chay tịnh để thể hiện lòng thành đối với đức Đông Hải đại vương. Khi rước ra đình, quy định mỗi đội đều có mèng, trống, cờ, kiệu, có đội tế. Trước khi thi bơi có tổ chức tế Thánh, tế thị lập, bơi cạn, đọc chúc văn. Khi bơi trên sông có tổ chức ca hát, đánh cờ. Giai bơi các đội diện các trang phục khác nhau: xanh, đỏ, vàng, trắng.. Mỗi đội khi bơi đều cử các gia đình trong xóm theo luân phiên nấu cơm cho giai bơi ăn tập thể.
Trong khi ngoài đình đang tiến hành các nghi thức tế lễ, thì những đội bơi đã hoàn tất những bước kiểm tra cuối cùng. Sau khi đã làm lễ, các đội cho khiêng thuyền ra sông dạo quanh đợi hiệu lệnh.
Khi cuộc đua bắt đầu, các thuyền bơi dàn hàng ngang chờ lệnh. Lúc tiếng trống lệnh dõng dạc vang lên và cờ hiệu phát, các tay bơi cùng lúc thúc đầu mái chèo xuống nước đều đặn khẩn trương theo nhịp của người chỉ huy. Mặt sông đang yên lặng bỗng trở nên cuộn sóng, các thuyền đua như thuyền rồng căng mình lướt trên mặt nước nhằm cờ tiêu phía trước lao tới. Trên bờ, từ trước khi cuộc đua diễn ra, dân làng và khách thập phương trong những bộ trang phục mới, đa sắc màu của ngày hội đã đứng kín hai bên bờ sông để cổ vũ, hò reo... Khi cuộc đua kết thúc, các đội thi rước thuyền đua vào đình làm lễ nhận phần thưởng trong tiếng trống, tiếng chiêng cùng tiến hoà reo hoan hô của mọi người, khiến ngày hội càng thêm náo nhiệt đông vui. Phần thưởng cho đội thuyền đua đạt giải nhất, nhì, ba chỉ là những tấm vải gấm nhưng đó là niềm tự hào, vinh dự đối với bản thân mỗi thành viên trong đội và cả thôn, xóm. 
Hội bơi trải trong lễ hội làng Đỗ Xá không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước mà còn là một hình thức sinh hoạt thể thao mang tính thượng võ của dân tộc. Lễ hội truyền thống và những sinh hoạt văn hoá dân gian diễn ra tại di tích không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh và tưởng nhớ Đức Đông Hải đại vương và các vị thần làng đã có công giúp dân, giúp nước mà còn lưu giữ và bảo tồn những nét văn hoá dân gian đặc sắc, đồng thời góp phần động viên, khích lệ dân làng cùng chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày một đổi mới, giàu mạnh. 
Đền Cả là di tích thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (1184 - 1228). Ông là người làng Thung Độ, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sử sách chép lúc sinh thời ông từng chiêu tập binh mã, đứng lên chống lại nhà Trần. Việc thờ tự ông tại Đỗ Xá không chỉ mong muốn một cuộc sống nhiều may mắn, nhân khang vật thịnh mà còn tưởng nhớ một vị dũng tướng có lòng trung quân ái quốc, làm gương cho mọi thế hệ người dân.
Trong những năm tháng cả nước tiến hành hai cuộc đấu tranh chống Thực dân, Đế quốc thì địa đền Cả là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Với những sự kiện lịch sử được chứa đựng từ những buổi đầu khai canh lập ấp đến nay, đình chùa đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước của các thế hệ người dân. Đền Cả được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2008.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Điền Xá - Nam Trực
Địa chỉ: xã Điền Xá - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
 Email: xadienxa.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang