image banner
Đền Đông thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá
Lượt xem: 139

Đền Đông làng Đỗ Xá thờ Đương cảnh Thành hoàng Thiên Quan đại vương. Bản Thần phả làng Đỗ Xá (xã Điền Xá, huyện Nam Trực) do Tú tài Nguyễn Công, tự Xuân Lương, hiệu là Phúc Trai tiên sinh người làng Đỗ Xá, được triều đình sắc phong là Trung sĩ lang soạn vào cuối thời Nguyễn cho biết, vị Thành hoàng làng là một vị thiên thần được nhân dân lập miếu (sau nâng cấp thành đền) thờ phụng từ thời Hậu Lê, thế kỷ 17. Sự tích Đương cảnh Thành hoàng Thiên Quan đại vương được chép lại trong bản  phả như sau: “Một hôm, vào khoảng giữa đêm, mọi người đang hội họp thì thấy một ngọn đuốc lớn chiếu dọi khắp xung quanh từ trên trời bay xuống xóm Thụy Đoài ở xứ Chử Kiểu trong làng (nay là xóm Thụy Mỹ, xóm May). Dân làng đến xứ đó xem thì thấy một ông lão mũ mã cân đai từ phía Đông đến nói:

 Ta du hành qua đây, thấy nhân dân chất phát, linh khí ôn hòa, không nỡ dời đi!

Dân làng đều lấy đó là sự linh dị về sự việc ông lão đi từ phía Đông đến, bèn lập thần vị viết là: Thiên Quan Thần Đàn che chở và ban phúc lộc cho dân. Đất này mãi mãi là nơi thắng địa, bởi đầu rồng, đuôi rồng, long bàn hổ phục, một dải cao dầy, bao bọc trong ngoài, núi non sông biển ấp ôm che chở, phát đạt khôi khoa (khoa bảng), anh hùng vạn đại

Hàng năm, dân làng hội họp thống nhất lấy ngày mùng 6 tháng 6 là tiết Trung khánh, theo đó mà lập đàn tế lễ. Dân trong làng ban đêm thường nằm mộng có ba luồng sinh khí hội tụ tại Đỗ Xá, sông núi tươi đẹp, sáng tươi rực rỡ như mặt trời, mặt trăng, trường tồn lâu dài cùng trời đất, linh thiêng rực rỡ từ xưa. Nay miếu vũ nguy nga, phía Tây tiếp giáp xóm Thụy Sơn, đất trời uy linh, mênh mông nước chầu tươi đẹp ở phía Đông, từ xa xưa đến nay xuân thu thờ phụng. Mọi người dân trong xã cung kính ghi chép lại sự tích để thờ phụng.

Thiên quan tôn thần: Thuở xưa là Thanh Tiên đồng tử, được triều đình sắc phong, nhân dân thờ phụng, núi sông hun đúc linh thiêng làng Đỗ Xá, cầu đảo tế lễ phụng đề thánh hiệu: Đương cảnh Thành hoàng đức Thiên Quan đại vương, Năng hoằng, Tế độ, Uy thần, lịch triều gia tặng: Phu khánh, Diên hy, Hiển trạc thuần chính, Dực bảo trung hưng phúc thần Đại thiên tôn Vương điện hạ”.

Các đạo sắc phong được lưu lại trong bản Thần phả làng Đỗ Xá đã khẳng định rõ chức năng “Hộ quốc” và “Tý dân” của Đương cảnh Thành hoàng Thiên Quan đại vương. Chức năng “Hộ quốc” là đại diện cho vua cai trị các thần làng và nhân dân, tham gia chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Chức năng “Tý dân” là phù hộ nhân dân, đem lại mưa thuận gió hòa, không bị tai ương thiên tai dịch họa. Nội dung đạo sắc ngày 23 tháng 10 niên hiệu Tự Đức 6 (1853) chép (dịch) như sau: “Sắc phong cho Thiên Quan chi thần, trước đã phong tặng là Phu khánh, Diên hy, Hiển trạc chi thần. Thần cứu nước giúp dân, nhiều lần linh ứng. Nay, trẫm kế thừa nghiệp lớn, kính nghĩ đến công lao to lớn của thần, có thể gia tăng là Phu khánh, Diên hy, Hiển trạc, Thuần chính chi thần. Đặc chuẩn cho xã Đỗ Xá, huyện Giao Thủy, được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu ơn thần cứu giúp, bảo vệ muôn dân cho trẫm!”.

 Hiện tại di tích lưu giữ được một số đại tự, câu đối ghi nhận sự hiển linh, ứng nghiệm giúp nước, cứu dân của vị Thành hoàng làng, trong đó có câu:

“Thần như tại trừ tai hạn họa,

Đế gia phong hộ quốc lý dân”.

(Thần ngự nơi đây ngăn trừ tai họa,

Vua ban sắc phong giúp nước cứu dân).

Việc thờ tự vị Thành hoàng Thiên Quan đại vương tại đền Đông, thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá, huyện Nam Trực đã thể hiện tín ngưỡng thờ thần sơ khai của người Việt. Đó chính là tín ngưỡng thờ thiên thần, nhiều thần là các hiện tượng tự nhiên, hay các vị thần có nguồn gốc từ “trời” đã được thiêng hóa và nhân cách hóa thành thần. Những cư dân đầu tiên đến vùng quê Đỗ Xá khai khẩn đất đai, sinh sống và lập nghiệp đã lập nơi thờ vị thần Thiên Quan đại vương với ý niệm thờ vị thần bảo trợ cho công cuộc làm ăn sinh sống của cư dân nơi đây. Có lẽ chính vì thế, mà nhiều thế kỷ đã trôi qua, việc phụng thờ vị Thành hoàng làng trên mảnh đất quê hương vẫn không hề thay đổi. Lớp lớp thế hệ người dân nơi đây vẫn mãi một niềm tôn sùng và kính phục, luôn tin tưởng thần sẽ luôn hiển linh phù hộ và giúp họ trong mỗi bước đường xây dựng quê hương, đất nước, ngày một ấm no, hạnh phúc.

Đền Đông quay mặt về hướng Đông, trên diện tích gần 1500m2, ngay cạnh đường liên xã, với nhiều cây lưu niên tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn từ ngoài vào trong, đền gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, sân và công trình chính thiết kế kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Toà tiền đường có 5 gian, 4 mái dán ngói nam. Bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, trên các bờ dải đặt tượng nghê, diềm mái trang trí hình lá đề. Toà trung đường cách toà tiền đường khoảng sân lát gạch, bộ khung toà trung đường được làm bằng chất liệu gỗ. Công trình có 3 gian, mái lợp ngói nam. Hệ thống cửa chạy suốt 3 gian, mỗi khoang cửa lắp 4 cánh gỗ, kiểu thượng song hạ bàn, chân quay, đặt trên ngưỡng cao. Phía trên khoang cửa treo 3 bức đại tự khắc chữ Hán “Đức kỳ thịnh” (Đức của thần luôn luôn thịnh), “Thiên Quan linh từ” (Thiên Quan đền thiêng), “Cầu tức ứng” (Cầu đảo đều được ứng nghiệm). 

Toà trung đường là nơi đặt ngai, bài vị thờ Đương cảnh Thành hoàng Thiên Quan đại vương. Ngăn cách giữa toà trung đường và hậu cung là bức thuận, có 3 cửa kiểu cuốn vòm. Hệ thống khung cửa 2 bên bức thuận được làm bằng chất liệu đá, mặt ngoài chạm câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Thiên Quan đại vương. Bức thuận có một bộ vì kiểu ván mê, bịt kín chạm nối các đề tài lưỡng long chầu nhậttriện tâu lá dắt, lân vờn cầu. Toà hậu cung 3 gian quay dọc với toà trung đường tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ “đinh”. Bộ khung chịu lực toà hậu cung có 2 hàng chân cột nâng đỡ các bộ vì và hệ thống hoành, dui bằng gỗ lim. Cột có 2 loại là cột vuông và cột tròn. Cũng giống như cột hiện, các cột toà hậu cung được sơn đỏ, vẽ các tản mây. Toà hậu cung có bộ 2 vì nóc và 4 vì nách. Vì nóc kết cấu kiểu câu đầu, ván mê. Vì nách kiểu ván mê. Trên các cấu kiện câu đầu, mê, xà nách được sơn đỏ, vẽ mây tản. Gian trong cùng của hậu cung đặt ngai và tượng thờ Thiên quan Đại vương.

Thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá vốn là mảnh đất cổ, có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng của huyện Nam Trực. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều đền, chùa, từ đường cùng với các phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hoá phong phú, đa dạng, trong đó có lễ hội truyền thống. Tại đền Đông, thôn Đỗ Xá hàng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến vị thần được thờ tại di tích cũng như các sự kiện của địa phương như:

 Lệ xông đền đêm Giao thừa: Là tục lệ có từ lâu đời, được dân thôn Đỗ Xá duy trì đều đặn hàng năm. Vào dịp này, làng chọn một người cao tuổi, đức độ, gương mẫu, con cháu đuề huề, có phúc lộc ra đền đêm 30 tháng Chạp. Đúng vào thời khắc giao thừa, người được chọn khăn áo chỉnh tề, mở cửa đền thắp hương lễ đức Thiên Quan đại vương. Sau đó mọi người vào đền cũng thắp hương lễ thánh và rước hương về nhà cắm lên ban thờ gia tiên, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hoà, nhân khang, vật thịnh.

Lễ động thổ và lễ khai bạ (khai bút): Được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng hàng năm. Trước đây, ở các giáp, giáp trưởng thay mặt dân làng dâng lễ trà ở đền, đến ngày mồng 5 thì lễ tạ. Ngày nay, vào dịp này, các gia đình cùng con em trong làng sắm sửa lễ vật, hương hoa ra đền tổ chức lễ động thổ, lễ khai bút với mong muốn một năm mới làm ăn tấn tới, mưa thuận gió hoà, học hành giỏi giang, thành đạt. Trong bản Thần phả làng Đỗ Xá, bản chữ Hán vẫn còn ghi chép bài chúc văn lễ động thổ như sau (dịch):

“Năm qua xuân đến

Làm lễ động thổ

Muôn dân yên ổn

Trời đất tốt lành

Công ruộng công người

Sáng tươi rực rỡ”.

Lễ hội Cờ: Theo các cụ cao niên kể lại, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, định kỳ 3 năm một lần (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi), dân làng tổ chức lễ hội Cờ. Thời gian lễ hội kéo dài 4 ngày, trong khoảng từ mùng 1 đến ngày mùng 10 tháng 2, với các hoạt động tế, lễ, sinh hoạt dân gian truyền thống. Để lễ hội diễn ra trang trọng, trước đó vài ngày, đại điện dân làng cùng lãnh đạo địa phương tổ chức họp bàn, phân công công việc cụ thể cho từng bộ phận. Sát ngày lễ hội diễn ra, dân làng tổ chức dọn dẹp cảnh quan di tích, bao sái đồ thờ tự, bài trí, sắp đặt nơi hành lễ thật trang nghiêm. Buổi chiều ngày mùng 8, con cháu các dòng họ, cùng các xóm tiến hành kéo cờ, bắc rạp, hoàn tất công việc chuẩn bị cho chính kỵ. Sáng ngày mồng 9, dân làng tổ chức tế cáo, rước lễ vật dâng lên đức Thánh, cầu mong sức khoẻ, phúc lộc bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Buổi chiều, dân làng tổ chức lễ dâng hương và tiến hành tế nữ quan. Ngày mồng 10 dân làng tổ chức lễ tạ, kết thúc kỳ lễ hội. Song song với những nghi thức tế lễ long trọng, lễ hội đền Đông còn nổi bật với hoạt động thi đấu cờ tướng, hay còn gọi là lễ hội Cờ. Hiện nay, làng Đỗ Xá có 3 thôn, mỗi thôn có một đội cờ. Để chọn ra những người tiêu biểu tham gia thi đấu, từ nhiều ngày trước các kỳ thủ trong thôn đã phải tổ chức đấu loại. Ai thắng thì được tham gia thi đấu tại lễ hội. Thành phần tham gia thi đấu, không bó buộc người trong làng, mà mở rộng ra các địa bàn lân cận. Sau khi chọn ra được những kỳ thủ tiêu biểu, ban tổ chức sắp xếp chia đội, đảm bảo số lượng người tham gia đủ trong 2 ngày lễ hội. Để chuẩn bị cho quá trình thi đấu, sáng ngày mồng 9, Ban tổ chức tiến hành dâng hương, dâng lễ vật kính cáo đức Thiên Quan, xin phép được tổ chức lễ hội và rước cờ biển từ trong đền ra đặt trên bàn cờ. Không gian thi đấu là bàn cờ lát gạch rộng 50m², ở chính giữa sân đền. Theo quy định của ban tổ chức, mỗi Ván cờ diễn ra trong vòng 45 phút. Nếu hết thời gian 45 phút mà ván cờ vẫn chưa kết thúc thì được chuyển vào bàn nhỏ để tiếp tục thi đấu, đến khi phân thắng thua. Theo danh sách, các kỳ thủ tiến hành thi đấu. Hình thức đấu loại trực tiếp, để chọn ra các giải nhất, nhì, ba, tư. Thời gian thi đấu kéo dài trong suốt 2 ngày lễ hội. Buổi chiều ngày mồng 10, Ban tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, phát phần thưởng và rước cờ biển vào trong đền. Hiện nay, làng Đỗ Xá xây dựng một đội cờ gồm 32 thành viên, do một kỳ thủ có uy tín làm chủ tịch. Đội cờ này thường xuyên tổ chức huấn luyện, giao lưu thi đấu để nâng cao trình độ cung cấp kỳ thủ cho mỗi mùa lễ hội của làng. Có thể nói, các kỳ lễ diễn ra tại di tích đền Đông hàng năm là nét sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của người dân thôn Đỗ Xá nói riêng, xã Điền Xá nói chung. Đây chính là điều kiện, là không gian để lưu giữ, bảo tồn những giá trị di sản văn hoá phi vật thể mà cha ông ta sáng tạo, trao truyền cho chúng ta ngày hôm nay.

 Đền Đông là nơi phụng thờ đức Thiên Quan đại vương, vị thiên thần được dân gian suy tôn, các triều vua Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909) ban tặng sắc phong là Đương cảnh Thành hoàng. Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến, đền Đông không chỉ là cơ sở cách mạng tin cậy mà còn là địa điểm ghi nhận nhiều đóng góp quan trọng của địa phương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Đền Đông là công trình kiến trúc mang nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc. Ngoài toà tiền đường tôn tạo gần đây, các hạng mục trung đường và hậu cung vẫn giữ được bố cục mặt bằng hình chữ “đinh” truyền thống, cùng bộ khung gỗ lim với các mảng chạm khắc mang đậm giá trị nghệ thuật thời Nguyễn. Bên cạnh đó đền còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học như chuông, câu đối, tượng, ngai, thần vị... Bên cạnh giá trị kiến trúc nghệ thuật, đền Đông còn là nơi bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là lễ hội Cờ diễn ra vào ngày mùng 9, 10 tháng 2. Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và văn hóa đền Đông, thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2019.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Điền Xá - Nam Trực
Địa chỉ: xã Điền Xá - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
 Email: xadienxa.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang