image banner
Đình Vị Khê – di tích và lễ hội
Lượt xem: 175

 Đình Vị Khê xã Điền Xá là di tích thờ Đương Cảnh Thành Hoàng Hổ mang Đại Vương, ông là người có công phò giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán vào thế kỷ X; Đình Vị Khê còn là di tích thờ Tô Trung Tự người có công truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho nhân dân làng Vị Khê

       Căn cứ nội dung ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn thảo ngày 10/10 niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572) quan quản giám bách thần Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn  Hiền chép lại ngày 14/5 niên hiệu Vĩnh Hựu 3 (1737): Tam giáp tiến sĩ, Dương đình Ngô Thế Vinh chép lại ngày 20/7 niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) thì thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Công Thành như sau: vào thế kỷ thứ 6 tại động Trúc Lâm Châu Thảng Do (Cao Bằng) có ông Nguyễn Đạt lấy vợ người cùng quê tên là Giang Thị Phương. Vợ chồng ông Đạt kế nghiệp tổ tiên lấy nghề y là kế sinh sống, chuyên làm việc nhân thiện cứu giúp người nghèo, nhưng vợ chồng lấy nhau đã mấy năm trời vẫn chưa có con. Nghe tin chùa Hồng Phúc, động Huyền Không gần đấy nổi tiếng linh thiêng, ông bà bèn chọn ngày lành tháng tốt đến lễ bái. Đang lúc dâng hương bỗng nhiên có con rắn hổ mang từ trên rơi xuống trước mặt, vợ chồng ông Đạt kinh sợ chạy ra ngoài, một lát sau quay lại không thấy con rắn đâu nữa. Đêm đó ông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ tay chống gậy trúc đến trước mặt mà nói rằng : “Nhà ngươi làm việc phúc đức, trời đã soi xét, cho một vị thủy thần đến làm con, sau này dẹp giặc cứu dân, lúc sống làm danh tướng, khi mất làm phúc thần, để lại tiếng thơm muôn đời”. Bỗng nhiên gió thổi nhẹ ngoài sân, lá cây rụng xuống bên cửa, tai nghe thấy mà tỉnh dậy. Từ đó bà Phương có mang, được hơn 10 tháng đến ngày 10 tháng 7 năm Đinh Sửu (917) bà hạ sinh được một con trai thân hình dài rộng, mắt biếc màu xanh, sau lưng có một vệt đốm hình da rắn. Ông Nguyễn Đạt rất mừng, nhớ đến giấc mộng ngày trước thầm nghĩ con mình tướng mạo lạ thường ắt sẽ làm nên công trạng, nên đặt cho tên con là Công Thành.

          Năm lên 6 tuổi, Công Thành được cha mẹ đưa đến học tiên sinh Lý Trung Hòa ở động láng giềng. Công Thành rất thông minh lại chăm chỉ, cần cù luyện tập, phàm những sách Khổng- Mạnh- Ngô đều tinh thông. Không những thế về sức khỏe, cung tên, quyền cước thì trong vùng ít ai là địch thủ, nên chẳng bao lâu đã trở thành người văn võ toàn tài.

          Một hôm, nghe tin Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu tiến lên phía Bắc tấn công Hoằng Tháo con trai vua Nam Hán sang xâm lấn bờ cõi, ông bèn tìm đến xin để lập công. Ngô Quyền rất mừng phong cho làm tiên phong tả tướng, lệnh cho cùng với tiên phong Hữu tướng là Chu Hiến Thiện, cầm quân tiến trước. Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng ông đã lập công lớn.

          Ngô Quyền lên ngôi, phong cho Nguyễn Công Thành làm tướng trấn  thủ vùng Sơn Nam. Tại đây ông đã chiêu dân về ở, cấp gạo tiền cho dân khai hoang mở đất, khuyến khích việc trồng cấy, trồng dâu nuôi tằm, khơi sông ngòi, đắp đường xá. Ông còn lo quai đê ngăn mặn để mở rộng đất canh đai và đặt tên cho vùng đất mới là Nguyễn Gia Trang. Năm Giáp Thìn (944) Ngô Vương Quyền mất, Công Thành xin từ quan ở hẳn Nguyễn Gia Trang, ông cho dựng chùa thờ phật cầu phúc lành dài lâu cho con cháu, mở chợ làm nơi giao lưu hàng hóa và lấy tên là chợ Bình Giã. Ông đã nỗ lực góp sức xây dựng cho vùng quê ngày càng một phát triển vì thế ông được mọi người ở đây ai cũng quý mến coi ông như bậc cha mẹ sinh thành vậy

          Ngày 2 tháng giêng năm Nhân Thìn (992) ông mất trên một chiếc thuyền ngoài cửa biển, các con ông cùng dân làng, phụ lão hành lễ ở trên đê hướng về phía cửa biển phát tang và đổi nơi nhà ở trước đây là nơi thờ cúng.

Long ngai bài vị thờ đương cảnh Thành Hoàng Hổ mang Đại Vương

Trước những công lao to lớn của ông, triều đình Tiền Lê cho phép địa phương không phải chịu sai dịch bốn mùa hương khói phụng sự, đồng thời sắc phong ông là Bản cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương khai sáng cơ nghiệp, hộ quốc an dân, trấn hải phúc thần. Tương truyền từ đó về sau, mỗi khi đến ngày kỵ, dân làng thường thấy rắn hổ mang to hiện hình trong đền. Nhân dân  cho rằng  vị thành hoàng vẫn luôn tồn tại chứng kiến những thành quả lao động của người dân, phù hộ cho họ một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Đình Vị Khê thờ Tô Trung Tự, ông tổ nghề trồng hoa cây cảnh. Năm Kỷ Tỵ (1209) quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di bị giết, tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân nổi loạn chiếm kinh thành. Vua Lý Cao Tông cùng Thái Tử Sảm chạy về lánh nạn ở Hải Ấp (nay là Hưng Nhân - Thái Bình) ở nhà Trần Lý, thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung sinh đẹp Thái Tử bèn lấy làm vợ. Sau đó vua phong cho Trần Lý chức Minh tự, phong cho Tô Trung Tự - cậu ruột của Trần Thị Dung chức Điện tiền Chỉ huy sứ. Mùa xuân năm Tân Mùi (1211) Thái tử Sảm lên ngôi là Lý Huệ Tông. Nhà vua lập Trần Thị Dung là Nguyên phi, Tô Trung Tự được phong chức Thái uý phụ chính. Cũng vào năm Tân Mùi, Thái Uý Tô Trung Tự đến Nguyễn Gia Trang, thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập Hành Cung để đi lại. Thái Uý đem quân tu sửa Toà thành gần chợ Bình Giã thành một Toà thành kiên cố để phòng thủ, ông còn cho đào con sông nhỏ vào phía nam chợ để thuyền buôn đi lại dễ dàng. Về sống tại đây, Tô Trung Tự ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông trang, ông còn dạy nhân dân địa phương trồng hoa cây cảnh làm kế sinh nghiệp.

     Long ngai bài vị thờ Lý triều Công thần Tô tướng Công tại cung cấm

Trải qua quá trình hình thành và phát triển các thế hệ người dân nơi đây đã xây dựng nên một làng quê trù phú. Vì vậy công lao của các vị liệt tổ mãi mãi được trân trọng và khắc ghi trong tâm thức mỗi người dân. Ngôi đình Vị Khê nơi thờ tự các vị thành hoàng, liệt tổ, thờ phụng ông tổ nghề trồng hoa. Đền Vị Khê còn là nơi diễn ra các  sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, nơi lưu giữ giao lưu bao gồm nghề truyền thống thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đúng như bài thơ “Đáo Nguyên Gia Trang” của Đào Sư Tích sáng tác năm 1374

                   Dương Xá chi nam Bình Gia bảo

                   Tô Công thứ nhật Kiến gia cư

                   Hoa thân Nguyễn ấp tông tư thịnh

                   Thị quán giang tân niệm thế Sư.

          Tạm dịch :

                   Bình Gia bảo phía nam Dương Xá

                   Tô công thủa ấy nơi này

                   Hoa thân Nguyễn ấp ngày thân thịnh

                   Quán chợ đò sông nhớ bậc thầy

          Đình Vị Khê được xây dựng trên một khu đất cao ráo rộng 1.810m2 ở giữa thôn Vị Khê, mặt quay về hướng Đông Nam. Theo truyền thuyết địa phương, trước kia Đình xây dựng bên tả sông Hồng (Thuộc khu đất Thuận Vi-Vũ Thư, Thái Bình) bên cạnh chợ Bình Giã. Năm Duy Tân thứ 4 (1910) vì sông nở nên ngôi đình được chuyển về vị trí hiện nay. Năm Bảo Đại 12 (1937 ngôi đình được trùng tu, đặc biệt là trùng tu hậu cung. Đình Vị Khê xây dựng theo kiểu Tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh, gồm Tiền đường 5 gian, trung đường và hậu cung xây hình chữ Đinh. Trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo công trình kiến trúc đình Vị Khê vẫn lưu giữ được nhưng phong cách nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được một số di vật có giá trị lich sử văn hóa như sắc phong, câu đối, đại tự, bài vị...

Tòa tiền đường

Lễ hội làng Vị Khê hàng năm được tổ chức từ ngày 12-16 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội mang sắc thái văn hoá truyền thống làng nghề để tưởng nhớ, tôn vinh công đức của Thành hoàng làng Nguyễn Công Thành và Tổ nghề Tô Trung Tự - người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho nhân dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài.

             Lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê là một không gian mở, phần lễ gồm các nghi lễ: Tế Nam Quan, Tế Nữ Quan, rước hoa cây cảnh về đình làng dâng hương Ông Tổ làng nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loại hoa quý, những cây cảnh, cây thế độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian… Lễ hội đặc biệt hấp dẫn và sôi động với các cuộc thi tay nghề, tạo thế cây cảnh, trưng bày cây cảnh.

           Rước hoa cây cảnh là nghi thức đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê; lễ vật có lợn quay, xôi, hoa quả... đặc biệt là cây cảnh - lễ vật mang tính đặc trưng của làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê. Để có được cây cảnh tham gia rước và là lễ vật dâng lên Đức Thành Hoàng Làng và Ông Tổ nghề trồng hoa cây cảnh, cây cảnh phải trải qua một quá trình tuyển chọn hết sức công phu, kỹ lưỡng, tuân thủ theo các quy định của làng. Trước hết cây phải do chính người dân Vị Khê trồng, chăm sóc, tạo thế ngay trên đất làng Vị Khê, không phải là cây mua từ các địa phương khác đem về. Mỗi năm là một cây khác nhau những cây đã dự lễ những năm trước không được tuyển chọn, giống cây phải khác nhau nếu cùng giống thì phải khác thế. Trong nghi thức rước cây hàng năm chỉ có 5 cây đại diện cho 5 xóm: Xóm Cao Bình, xóm Cống, xóm Hoàng Đồng, xóm Đình, xóm Trại được vinh dự tham gia, vì vậy ngoài những quy định được coi là “lệ làng” ở trên thì việc tuyển chọn cây của các xóm được tổ chức hết sức chặt chẽ công khai công bằng và dân chủ. Việc tuyển chọn cây được diễn ra từ nhiều năm trước qua nhiều vòng tuyển chọn với sự tham gia của “hội đồng tuyển chọn” gồm các nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ các nghệ nhân bậc tuổi cao niên, nghệ nhân trung niên đến những người thợ làm vườn trẻ tuổi để đảm bảo yếu tố truyền thống gắn kết với sức sáng tạo của tuổi trẻ, bảo tồn yếu tố gốc làng nghề truyền thống kết hợp hài hoà với sự phát triển mang hơi thở của thời đại. “Hội đồng tuyển chọn” còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn hội như: Hội người cao tuổi, hội Cựu chiến binh, hội Sinh vật cảnh… Những cây cảnh được tuyển chọn qua vòng sơ khảo từ nhiều năm trước đảm bảo được các quy định của làng sẽ được “hội đồng tuyển chọn” kiểm tra và tổ chức bỏ phiếu, cây nào có số phiếu cao nhất sẽ được đại diện cho xóm tham gia “lễ rước” và là “lễ vật” dâng lên Đức Thành Hoàng làng và Ông Tổ nghề hoa cây cảnh Tô Trung Tự.

     Ngay từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng và du khách thập phương đã về tề tựu đông đủ tại chùa Vị Khê để chuẩn bị cho phần rước lễ. Đoàn rước xuất phát từ chùa Vị Khê theo đê sông Hồng xuôi về phía hạ lưu. Đi đầu đoàn rước là 2 con Rồng vải, tiếp theo là Tứ linh được trang trí lộng lẫy, uy nghi múa lượn theo nhịp trống, sau đó là đội múa lân, đội cờ, đội bát âm… Tiếp theo là 5 cây cảnh của 5 xóm (lễ vật) quan trọng trong lễ hội, trước đây 5 cây của 5 xóm được tuyển chọn là những cây nhỏ đặt trên kiệu có từ 8 đến 16 người khiêng, ngày nay cây được trở trên các xe tải nhỏ trang trí cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ Hồng kỳ, băng zôn… hết sức lộng lẫy. Thứ tự xe “cây lễ vật” được tổ chức hết sức chặt chẽ theo quy định truyền thống. Đi đầu là xóm Cao Bình (Minh Khai), kế tiếp là xóm Cống (Trần Phú), tiếp theo là xóm Hoàng Đồng (Hoàng Văn Thụ), kế tiếp là xóm Đình (Lê Thăng) và cuối cùng là xóm Trại (Hoàng Ngân) đi trước mỗi xe lễ vật của các xóm là đội cờ, đội bát âm, đội tế Nam Quan, tế Nữ quan... Đoàn rước dài khoảng 500m có sự tham gia của hàng nghìn người trong trang phục truyền thống cùng với cờ xí, ô lọng hoà cùng tiếng nhạc, tiếng trống rộn rã được cử hành trên triền đê sông Hồng dài khoảng 3000m trong không khí đầu xuân tiết trời se se lạnh, mưa bụi lất phất bay theo chiều gió đông nhè nhẹ thổi từ phía sông Hồng. Đoàn rước đi trong một không gian thơ mộng, giữa một bên là sông Hồng với bãi bồi phù sa trải dài những thảm cỏ xanh, những vườn hoa đua nhau khoe sắc… với một bên là làng mạc trù phú xa tít tầm mắt toàn màu xanh của những cây cảnh, cây thế, những vườn hoa được tô điểm thêm những mái ngói đỏ tươi của những căn hộ, những ngôi biệt thự cao tầng, những nhà vườn mang đậm nét kiến trúc cổ truyền dân tộc. Đi hết đoạn đê sông Hồng đoàn rước đi vào đường làng, ngõ xóm quanh co uốn lượn, lúc này bức tranh của làng hoa cây cảnh Vị Khê lại được tô điểm thêm những nét chấm phá mới mà có lẽ chỉ ở Vị Khê mới có, bởi đoàn rước với chiều dài khoảng 500m, trang phục đa sắc màu, khí thế trống rong cờ mở, đi đầu là đôi Rồng vải cứ thế uốn lượn trong một không gian rộng lớn với một màu xanh bát ngát của hàng nghìn nhà vườn hoa cây cảnh trong làn mưa bụi mờ ảo của một ngày đầu xuân thực sự là bức tranh sống động huyền ảo, đa sắc màu do thiên nhiên và do chính người Vị Khê tạo ra và là dấu ấn khó quên đối với mỗi du khách đến tham gia lễ hội.

Lễ rước cây dâng Tổ nghề hoa cây cảnh Tô Trung Tự

Đoàn rước về đến Đình làng các lễ vật được đưa vào trong đình để dâng lên Đức Thành Hoàng Làng và Ông Tổ nghề hoa cây cảnh Tô Trung Tự. Sau đó chính quyền địa phương cùng với nhân dân long trọng tổ chức lễ khai hội cùng với các nghi thức tế lễ long trọng diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch.

Cũng như bao lễ hội xuân trên đất Nam Trực, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê có sức hút du khách với những trò chơi dân gian như cờ tướng, đánh đu, chọi gà... Song với đặc trưng của lễ hội làng nghề, lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê còn hấp dẫn và sôi động với cuộc thi tay nghề tạo thế cây cảnh nhằm bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để trao thưởng. Đến với lễ Hoa cây cảnh Vị Khê, Nam Trực, du khách được tham dự cuộc đại triển lãm hoa, cây cảnh mà ở đây việc trưng bày hoa cây cảnh mang đầy đủ những yếu tố chung của một cuộc triển lãm; song việc trưng bày hoa, cây cảnh ở lễ hội Vị Khê còn mang một yếu tố riêng có bởi hoa, cây cảnh được trưng bày ngay trên mảnh đất “Thiêng” nơi phụng thờ ông Tổ nghề trồng hoa cây cảnh, bởi có những chậu hoa, cây thế mà người Vị Khê với bí quyết nghề tạo nên sau bao thế hệ chỉ để làm “lễ vật” rước trình Ông Tổ làng nghề hoặc chỉ để tham gia trưng bày tại lễ hội mà không mang đi tham gia bất cứ cuộc trưng bày nào khi tác phẩm đó chưa tham gia lễ hội, chưa kính trình Ông Tổ làng nghề. Cũng với một ý nghĩa trưng bày hoa, cây cảnh ở vùng đất “Thiêng” nên cuộc triển lãm hoa cây cảnh Vị Khê còn thu hút nhiều làng nghề, nhà vườn của cả nước về tham dự và cũng với một ý niệm đem về lễ hội Vị Khê để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Ông Tổ nghề Tô Trung Tự. Các làng nghề, nhà vườn đã đem đến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất, tinh túy nhất, giá trị nhất từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Bình Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Tất cả họ đem đến lễ hội cùng với một ý niệm kính trình Ông Tổ nghề hoa cây cảnh những thành quả lao động của mình và cũng để thi thố tài năng với người Vị Khê và được tôn vinh, để rồi năm sau cuộc triển lãm này có sự tham gia của nhiều nghệ nhân hơn, nhiều tác phẩm độc đáo hơn, tinh túy hơn.

              Di tích đình Vị Khê và lễ hội hoa cây cảnh với các nghi thức tế lễ, “tục” rước hoa cây cảnh, “lệ” thi, trưng bày hoa, cây cảnh mang đậm những giá trị nguyên gốc là một sợi chỉ đỏ, là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại. Bởi lễ hội là nơi trao truyền, tôn vinh những bí quyết nghề, là mạch sống khởi nguồn cho sự sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ người dân Vị Khê. Từ Nguyễn Gia Trang xưa - ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hồng đỏ lặng phù sa đến làng Vị Khê rộng lớn với hàng nghìn hộ dân ngày nay; nghề trồng hoa, cây cảnh được lan toả ra khắp 20 xã, thị trấn của huyện Nam Trực; các huyện, tỉnh thành phố từ Bắc tới Nam. Và với bề dày lịch sử trên 800 năm hình thành và phát triển từ thời nhà Lý cùng với sự phát triển rực rỡ từ thời nhà Trần trở thành nơi hưởng thụ của các Vương công Quý tộc của các triều đại phong kiến. Lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê được tổ chức ngay sau lễ hội Chợ Viềng mùng 8 tháng Giêng và trước lễ hội Khai ấn Đền Trần một ngày với một không gian xanh của hàng ngàn nhà vườn bên bờ sông Hồng thực sự là điểm du lịch lễ hội tâm linh - du lịch làng nghề - du lịch sinh thái được các cấp ủy Đảng chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện phát triển lên tầm cao mới.

 

 

 

 

 

                                               

    

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Điền Xá - Nam Trực
Địa chỉ: xã Điền Xá - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
 Email: xadienxa.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang